Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Ba ba hình mặt người được hỏi mua giá 100 triệu

Ba ba hình mặt người được hỏi mua giá 100 triệu

Chỉ sau vài ngày khi con ba ba có hình giống mặt người ở Phú Yên được phát hiện, hàng trăm người khắp nơi đổ về xem và muốn mua với giá hơn 100 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Nông (60 tuổi, trú khu phố Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, Phú Yên), con ba ba nặng khoảng 0,3 kg, được vợ ông mua tại chợ Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh với giá 40.000 đồng về nấu cháo.
Khi mang con ba ba từ chợ về, gia đình ông Nông mới phát hiện trên mai có hình giống mặt người, với đầy đủ 2 mắt, lông mày, sống mũi, miệng.
Vì con vật quá lạ nên không ít người tung tin đồn cho rằng nó “linh thiêng”.
Ba ba hình mặt người được hỏi mua giá 100 triệu
Trên mai ba ba có hình mặt người.
Trong khi đó, các chuyên gia ngành thủy sản khẳng định, đây loài ba ba gai nước ngọt sống trong đầm Ô Loan, huyện Tuy An. Do các yếu tố thời tiết và môi trường tác động nên mai của nó có hình hoa văn lạ thường.


Khi mang ba ba về nhà, ông Nông phát hiện trên mai nó có hình giống hệt khuôn mặt người với đầy đủ mắt, lông mày, sống mũi, miệng… nên giữ lại để nuôi.
Để bảo vệ con ba ba vì quá đông người đến xem, ông Nông phải ghi lại hình ảnh, phóng lên màn hình tivi chứ không cho nhìn trực tiếp. Theo ông Nông, đã có nhiều người ở TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội trả giá mua ba ba với giá hơn 100 triệu đồng, nhưng gia đình ông không bán. Sự việc khiến chính quyền địa phương phải cử lực lượng dân phòng bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương.
Từ năm 2010 - 2011, tại đầm Ô Loan, ngư dân bắt được nhiều "cụ" nặng từ 1 - 1,5 kg. Đầm Ô Loan nằm ven quốc lộ 1, là di tích thắng cảnh quốc gia, có diện tích mặt nước khoảng 1.200 ha.
Ba ba hình mặt người được hỏi mua giá 100 triệu
Rất nhiều người hiếu kỳ đến xem ba ba lạ.


Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

KHÁT VỌNG XUÂN ÐÀI

KHÁT VỌNG XUÂN ÐÀI - 06-02-2014:AM


Trong một lần đi thuyền khảo sát trên vịnh Xuân Đài để mở tour mới, giám đốc một hãng du lịch lữ hành không ngớt trầm trồ trước vẻ đẹp hoang sơ của các đảo nhỏ nằm rải rác trong vịnh, sự mịn màng của các bãi cát trắng tinh nằm e ấp giữa các dãy núi nhô ra biển. Anh đặc biệt “mê” cái màu xanh biêng biếc của trời, của biển ở đây. Và, đến khi thưởng thức những món hải sản tươi rói vừa vớt lên từ lòng vịnh, nhâm nhi ly rượu Quán Đế, đặc sản Xuân Lộc-Sông Cầu, thì anh không còn tiếc lời khen. Nhưng, thỉnh thoảng, trong anh cũng thoáng một chút trầm tư. Tôi hiểu cái nhíu mày của anh là ngầm tiếc cho một viên ngọc quí chưa được mài dũa đúng mức để được sáng lóa.


khat-vong-xuan-dai-1.jpg
Vũng Lắm trong vịnh Xuân Đài - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
Trong quá khứ, Sông Cầu đã từng là viên ngọc biếc bên bờ vịnh xanh. Khi người Pháp chọn Sông Cầu làm thủ phủ để đặt tòa công sứ - một công sở giống như là “tỉnh đường”, là trụ sở UBND tỉnh ngày nay, thì cơ hội để Sông Cầu tỏa sáng đã xuất hiện. Và trước đó nữa, năm 1832, khi lần đầu tiên trong lịch sử bang giao với Hoa Kỳ, phái đoàn ngoại giao do Edmund Robert và George Thompson mang quốc thư của tổng thống Andrew Jackson vào neo đậu ở Vũng Lắm - một góc của vịnh Xuân Đài chờ bang giao với triều đình Huế thì Sông Cầu đã có nhiều thời cơ để mở rộng đường ra thế giới. Khi vua Bảo Đại, ông vua hào hoa, lãng mạn nhất trong các vua chúa triều Nguyễn đặt “hành cung Long Bình” ở Sông Cầu để vua, quan nghỉ chân, tắm biển trong những chuyến “vi hành” kiểu như Bạch Dinh ở Vũng Tàu, dinh Bảo Đại ở Nha Trang, dinh 1, dinh 2, dinh 3…ở Đà Lạt, thì cơ hội để những con đường du lịch hướng về phía biển đã mở ra.

Nhưng những cơ hội vàng ấy đã vuột khỏi tầm tay. Đã có lúc Sông Cầu chỉ còn  là một cái huyện nhỏ được nhắc tới để hoài niệm. Bây giờ người Sông Cầu đang bắt tay làm lại với những chiến lược được vạch ra kỹ lưỡng nhưng cũng không kém phần lãng mạn, bay bổng với khát vọng làm cho Xuân Đài được tỏa sáng.

khat-vong-xuan-dai-2.jpg
Du thuyền trên vịnh Xuân Đài - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
Sông Cầu đang tích cực triển khai Chương trình hành động số 14 của Thị ủy về đầu tư, phát triển dịch vụ du lịch giai đoạn 2011-2015. Đồng chí Trần Hữu Thế, Bí thư Thị ủy Sông Cầu cho biết Sông Cầu đang dành nhiều ưu tiên cho các nhà đầu tư vào đây làm ăn. Thị xã cũng đang xin cấp trên cho thực hiện một số cơ chế đặc thù để vực dậy một vùng đất, vùng biển giàu tiềm năng, để đánh thức nàng công chúa đang ngủ yên. Đã có một số dự án được vạch ra nhằm khai thác lợi thế của vịnh Xuân Đài.Theo đó, Sông Cầu khuyến khích đầu tư, hình thành những khu du lịch phù hợp với điều kiện của vịnh Xuân Đài như lắp ráp những khu nhà nổi trên mặt nước; xây dựng những khu nhà nằm trên các triền đồi nhìn ra mặt vịnh; phát triển những du thuyền rong chơi trên vịnh với nhiều loại hình du lịch biển như chèo thuyền, lướt ván buồm, câu cá, lặn biển v.v.; đầu tư, phát triển các lễ hội văn hóa - như lễ hội sông nước Tam Giang, lễ hội cầu ngư…thành các điểm nhấn về du lịch. Sông Cầu cũng đang qui hoạch lại các vùng nuôi trồng thủy sản để bảo vệ môi trường trong lành của vịnh Xuân Đài, đồng thời cũng biến các vùng này thành những diểm du lịch phục vụ nhu cầu thưởng thức hải sản của du khách; Sông Cầu cũng đang triển khai kế hoạch nhằm bồi dưỡng, nâng cấp, cải thiện chất lượng phục vụ tại các điểm du lịch hiện có.

Những con đường đến với Sông Cầu đang rộng mở. Ngoài đường biển truyền thống, quốc lộ 1, 1D từ Bắc vô, từ Nam ra đi ngang qua Sông Cầu, nay các con đường từ Tây Nguyên xuống cũng đã được khai thông. Du khách từ Gia Lai đã có thể xuống Sông Cầu bằng đường qua Vân Canh (Bình Định) đến Xuân Lãnh rồi theo ĐT 644 qua Đa Lộc đến Sông Cầu. Trục dọc miền Tây Phú Yên đã có thể đưa du khách từ Đắk Lắk, Đắk Nông, Đà Lạt…qua Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân xuống tắm biển, thưởng thức hải sản ở Sông Cầu. Du khách từ Hà Nội, TP HCM cũng có thể xuống sân bay Phù Cát hoặc sân bay Tuy Hòa, ngồi thêm vài giờ xe là có thể đến Sông Cầu. Những cơ sở lưu trú và nhà hàng hải sản chất lượng cao cũng đang hình thành.

khat-vong-xuan-dai-3.jpg
Trạm dừng chân Astop thuộc Khu du lịch Long Hải (TX Sông Cầu) - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
Giữa tháng 12/2013, một điểm nhấn trong du lịch vịnh Xuân Đài- trạm dừng chân Astop, đã được khai trương ở một vị trí tuyệt đẹp ven vịnh Xuân Đài thuộc phường Xuân Yên, TX Sông Cầu. Đây là dự án Liên doanh giữa công ty CP Đại Thuận và tập đoàn HOYA (Hàn Quốc) với tổng diện tích hơn 4ha, vốn đầu tư trên 3 triệu USD. Dự án là một quần thể khu du lịch gồm nhà nghỉ, khách sạn, khu nghỉ mát, khu vui chơi giải trí, biệt thự và bungalow, kinh doanh siêu thị, bán lẻ xăng dầu, các dịch vụ bất động sản, cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế cho du khách. Trong tương lai, du khách đến đây có thể nghỉ ngơi, thực hiện các tour du lịch lặn biển, leo núi, dã ngoại, tour ngắm vịnh Xuân Đài, khám phá đảo Nhất Tự Sơn, tắm biển, dong thuyền đi câu cá…và thưởng thức các món hải sản như tôm, ghẹ, cá mú, sò, ốc… tươi ngon của vịnh Xuân Đài.

Còn nhiều việc phải làm, và Sông Cầu đã chủ động tạo được một số tiền đề khả quan để phát triển thành một thị xã du lịch biển trong tương lai, một điểm sáng trên bờ vịnh xanh Xuân Đài.


DƯƠNG THANH XUÂN

Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

thầy chữa gãy xương

Phóng sự - Ký sự
13 Tháng Tám 2007 7:28 SA (GMT+0700)
  
Tay không nối xương
Đôi tay của họ như có mắt! Chỉ cần rà, vuốt nhẹ vào xương, khớp, gân là đoán khá chính xác tình trạng bị tổn thương. Và cũng chỉ bằng đôi tay không đó, họ đã “nối” lại những đoạn xương gãy, thậm chí gãy nát của những nạn nhân. Không chỉ làm việc tại nhà, họ còn có thể đến tận nơi trong trường hợp người bị nạn không thể di chuyển được bằng các phương tiện bình thường.


070813-3trong1.jpg
Lương y Lương Văn Trong sửa trật sườn cho một bệnh nhân - Ảnh: K.DUY



Bây giờ tên tuổi những người thầy chữa trật đả ở thôn Phú Hòa (xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) như Lương Cờ, Lương Trong và những hậu duệ của họ đã được gần như cả tỉnh Phú Yên biết đến. Họ nổi tiếng nhờ khả năng độc đáo: Chỉ bằng tay không và miếng thuốc dán gia truyền nhưng nối liền những nơi gãy xương, trật khớp, bong gân... một cách rất đáng ngạc nhiên.

BỊ NÁT XƯƠNG, TAY VẪN THẲNG

Câu chuyện giữa chúng tôi và lương y Lương Cờ, thường được gọi là thầy Sáu Cờ, 70 tuổi liên tục bị gián đoạn bởi những khách - bệnh nhân của ông. Một phụ nữ ở thôn 1 xã Hòa Vinh bị trật khớp vai vì té xe đạp, một anh ở Hòa Xuân Tây bị lật xe bục bịch, cổ không cử động qua lại được, một người ở Hòa Bình 2 làm nghề đi núi bị trật sườn, một cháu nhỏ ở Hòa Xuân Đông chơi đá banh bị trật ngón cái chân... Mỗi người được thầy Sáu Cờ thăm khám và điều trị khoảng 5-10 phút là xong. Có người thầy bảo: “Chiều hết sưng, bớt đau, 3 ngày lại dán lần thuốc nữa là hết”, có người thầy chỉ cười: “Ngay bây giờ thở đã hết thấy nhói rồi phải không? Đến chiều là nhẹ thôi”, có người thầy dặn: “Cái cổ này hơi nặng, bị bung (bong) gân huyệt, nếu đến sáng mai mà không thấy đỡ, chú đến để tôi xem lại, nghen!”...

Anh Nguyễn Đính, 35 tuổi, người bị chấn thương nơi cổ vì lật xe bục bịch, cho biết: “Đây là lần thứ ba tui xuống nhờ thầy Sáu Cờ sửa trật, sau hai lần bị trật khớp vai trước đây. Thầy chữa rất hay, chỉ bằng vài động tác là nơi xương, gân bị chấn thương đỡ ngay, không nhức nhối nữa”. Tại nhà ông, chúng tôi cũng gặp anh Huỳnh Văn Gọi, 17 tuổi, ở Hòn Dinh (huyện Sơn Hòa) đến để thầy Sáu Cờ thăm lại vết gãy chân phải. Anh Gọi cho biết: “Tôi bị tai nạn hôm 18/6/2007, gãy chân, chụp X-quang bác sĩ chẩn đoán là “gãy xương trên xương chày phải”, tiến hành bó bột. Tuy nhiên, sau cả chục ngày mà chân vẫn sưng tấy và đau nhức không chịu nổi, có người mách nước nên gia đình đưa xuống thầy Sáu sửa lại. Bây giờ thì đã đi được mà không cần dùng nạng nữa”.

Nổi tiếng không kém thầy Sáu Cờ là lương y Lương Văn Trong, 57 tuổi, thường được gọi là Ba Trong, là con người anh ruột của ông Sáu Cờ. Nhà Ba Trong tuy nằm sâu trong xóm, đường đi vòng vèo khó kiếm nhưng khách khắp nơi cũng tìm đến, đông không kém nhà người chú. Anh Nguyễn Minh Kha, một người được Ba Trong “nối” xương, hiện ở thôn Phú Hiệp 2, xã Hòa Hiệp Trung, giơ cánh tay phải lên khoe với chúng tôi: “Nhìn cánh tay này khó có ai biết được nó từng dập nát xương. Nếu không nhờ anh Ba Trong giúp đỡ, tôi nghĩ tôi thành người tàn tật rồi!”. Cách đây 3 năm, anh Kha ngồi trên xe lam, bị bò húc lật. Cánh tay phải của anh bị xe đè, xương gãy nhiều chỗ, có nơi bị dập nát. Vì nhà quá nghèo khổ, anh Kha không đủ tiền phẫu thuật sau khi đến bệnh viện chụp X-quang. Thầy Ba Trong đã dùng “đôi tay có mắt” của ông để nắn, nối lại xương tay của anh Kha. Phải mất thời gian khá dài, gần 4 tháng trời, nhưng cánh tay phải tưởng phải bỏ đi của anh Kha đã lành lặn, thẳng gần như tay người bình thường!

Đấy chỉ là vài ví dụ bởi lẽ các lương y chữa trật đả họ Lương cho biết họ đã chữa trị cho hàng ngàn người trong mấy chục năm qua, kể làm sao hết.

BÍ QUYẾT LÀ GÌ?

070813-6co.jpg
Lương y Lương Cờ đang chữa trật cổ cho anh Nguyễn Đính ở Hòa Xuân Tây - Ảnh: K.DUY
Cho đến nay, nghề sửa trật đả của dòng họ Lương ở thôn Phú Hòa đã bước sang đời thứ năm. Với những tai nạn gây trật khớp, bung gân, các thầy chỉ động vào vài ba phút là xong. Đáng quan tâm là họ có thể chữa trị được hầu hết những trường hợp gãy xương, ở nhiều mức độ khác nhau. Đó là các trường hợp gãy xương tứ chi mọi vị trí, gãy sườn, chồng sườn, gãy xương vai (xương đòn), trật cổ, trật quai hàm... Thầy Ba Trong nói rằng những trường hợp khó sửa nhất là vỡ khung xương chậu, gãy xương sườn, gãy xương đùi... thì đôi tay của ông đều có thể sửa được với hiệu quả cao, “thậm chí những trường hợp gãy nát xương nhưng không vỡ thịt, không chảy máu thì vẫn sửa tốt” – Ba Trong khẳng định.

Thầy Sáu Cờ kể: “Tôi không biết xuất phát thế nào mà ông cố tôi biết được nghề chữa gãy xương, sửa trật này. Chỉ biết là từ hồi chúng tôi còn nhỏ đã được cha dạy lại nghề này. Mấy anh em ai cũng được học, nhưng bây giờ thế hệ của tôi chỉ có mình tôi là làm chuyên nghiệp”. Còn thầy Ba Trong, cho biết: “Tôi theo học nghề ông nội từ năm 13 tuổi, đến 21 tuổi mới hành nghề được. Muốn học giỏi nghề này phải là người có khả năng thiên bẩm, có chí, có đức thì mới theo đến cùng”. Đây là một bí truyền, chỉ người trong nhà mới theo học được, không truyền lại cho người ngoài, “một phần vì sự tỉ mẩn, sự chịu đựng lâu dài khiến những người bên ngoài khó có thể theo được trong suốt một quãng thời gian quá dài như vậy; phần khác là vì uy tín của tổ tông, dòng họ” – thầy Ba Trong nói. Cho đến nay, chỉ có 2 người con của ông Sáu Cờ là các anh Lương Công Thiện, Lương Văn Chương và một người con của ông Ba Trong là anh Lương Văn Đính là những hậu duệ chuyên nghiệp của nghề này.

Bài thuốc gia truyền trị trật đả của họ Lương

Thảo quả, đại hồ, đậu khấu, băng phiến, tiểu hồi, đinh hương, nhĩ trà, nhũ hương, huyết kiệt, nhục quế, hồng hoa, đại hoàng, xuyên tâm thất, xuyên điền thất, thạch tín, ô lông dĩ, khương hoàng nghệ tươi, cốt tần, vỏ cây gạo và đậu xương.
Vậy bí quyết của nghề “tay không nối xương” này là gì? Theo ông Ba Trong, ngoài phương thuốc đặc biệt của ông bà để lại, thì điều căn bản nhất là kỹ thuật. “Đôi tay của người lương y khi chạm vào điểm chấn thương, chỉ cần vuốt nhẹ, ấn nhẹ là biết nó gãy, nó nứt, nó trật, nó lệch như thế nào. Tiếp đó, phải biết các thế đặc biệt để không phải dùng nhiều sức – vừa khó khăn cho người sửa, vừa gây đau đớn cho nạn nhân, vừa có thể khiến độ chuẩn xác không cao – mà vẫn đưa xương bị trật, gãy về vị trí ban đầu” – ông nói. Đúc kết có vẻ đơn giản vậy, nhưng để làm tốt những kỹ thuật đó, người lương y nghề trật đả phải học cả đời, “như tôi giờ vẫn còn phải rút kinh nghiệm” – thầy Sáu Cờ nói.

Họ khuyên, những người bị nạn không may bị gãy xương thì nên tìm đến họ càng sớm càng tốt, nếu có bản chụp X-quang chỗ xương nứt gãy thì việc chữa trị chuẩn xác và mau lành hơn. Lương y Lương Cờ nói rằng trong vòng 10 ngày kể từ khi bị nạn trở lại thì chữa vẫn tốt, thậm chí ngay cả khi bó bột xong mà xương chưa chuẩn lắm thì ông vẫn có cách “nắn” lại để bớt tật, có thẩm mỹ hơn. Lương y Lương Văn Trong thổ lộ: “Điều trị gãy xương theo Tây y là rất khoa học, việc bó bột giúp nạn nhân cố định nơi gãy xương tốt hơn và các bác sĩ rất giỏi trong trường hợp vết thương hở rộng, phải mổ sắp lại. Tuy nhiên, khi nạn nhân được bó bột rồi thì phải cố định trong hàng tháng, trong khi chúng tôi thường 3 – 5 ngày hay 1 tuần là thay thuốc mới, kiểm tra lại vết gãy và nếu có gì bất thường thì điều chỉnh được ngay. Vì thế về độ chuẩn thì có thể tự tin nói rằng nghề gia truyền đạt hiệu quả rất cao”.

Thế nhưng, cả hai lương y Lương Cờ, Lương Văn Trong đều cho rằng một trong những “bí quyết” giúp các ông thành công và nổi tiếng, đó chính là tấm lòng, là cái tâm của người thầy thuốc. Không chỉ chữa tại gia, họ còn được thân nhân người bệnh ở khắp nơi trong tỉnh, cả ở Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận cũng tìm đến để chữa trị. Chi phí không nhiều, từ vài chục đến vài trăm ngàn tùy dùng thuốc ngắn hay dài. Những trường hợp bong gân, trật khớp thông thường mà không phải dùng thuốc thì thường là miễn phí. Thầy Sáu Cờ cười vui khi nói: “Tháng trước, tôi đi ba chuyến lên Gia Lai chữa cho một thanh niên người dân tộc Chăm bị trật xương sống. Anh này chỉ nằm một chỗ, không di chuyển được nên mình phải đi để cứu. Bây giờ thì ảnh đỡ lắm rồi, đứng dậy đi được, vận động nhẹ mà không thấy đau nhức. Nhưng chữa xong rồi thì ảnh xin nợ vì... không còn tiền!”

Lương y Lê Huy Kông, Chủ tịch Hội Đông y huyện Đông Hòa:

Nghề sửa trật đả của nhóm gia đình họ Lương ở xã Hòa Hiệp Trung chúng tôi coi là một cách chữa trị độc đáo. Hiệu quả chữa trị bằng phương pháp này rất cao, lại khá thẩm mỹ, rẻ tiền, ít gây trở ngại trong sinh hoạt cho bệnh nhân. Theo chỗ tôi biết, nhiều người là cán bộ, thậm chí là cán bộ lãnh đạo, cũng tìm đến các lương y Lương Cờ, Lương Trong để sửa chữa trật đả và họ đánh giá rất cao phương pháp này.

Nhờ phương pháp chữa trị độc đáo trên, cùng với đạo đức tốt và có nhiều đóng góp cho hội, lương y Lương Cờ đã được Bộ Y tế tặng Huy chương Vì sức khỏe nhân dân năm 2003, còn lương y Lương Văn Trong thì nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Hội, Tỉnh Hội, Huyện Hội Đông y.


NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG